Tổng Quan Về Mô Hình 4P Trong Marketing Cho Doanh Nghiệp

Viết bởi admin droppii - 18/11/2022
tong quan ve mo hinh 4p trong marketing cho doanh nghiep

Hiện nay các mô hình trong marketing đã phát triển đến 6P, 7P nhưng 4P vẫn là nền tảng căn bản nhất, là cốt lõi trong hoạt động marketing. Doanh nghiệp đều phải nắm vững kiến thức về 4P để thành công. Hãy cùng Droppii.com tìm hiểu cụ thể về mô hình marketing này nhé!

1. 4P trong marketing là gì?

Năm 1964, trong một bài báo của Neil Borden, người ta lần đầu biết đến khái niệm 4P dưới tên gọi marketing mix (tiếp thị hỗn hợp).
Lúc này, marketing mix bao gồm nhiều yếu tố như sản phẩm, phân phối, giá, thương hiệu, đóng gói, chiến lược marketing, bao bì, quảng bá, khuyến mãi, tính cá nhân hóa. Sau đó E.Jerome McCarthy – chuyên gia marketing đã gom lại 4 thành phần cơ bản mà chúng ta biết đến là 4P ngày nay.

4P bao gồm: Product (sản phẩm hoặc dịch vụ), Price (giá), Place (phân phối), Promotion (chiêu thị). Cụ thể:

  • Product: Bạn sẽ bán sản phẩm/ dich vụ gì?
  • Price: Bạn sẽ tính giá như thế nào cho sản phẩm/ dịch vụ đó?
  • Place: Khách hàng có thể tìm mua sản phẩm/ dịch vụ ở đâu?
  • Promotion: Khách hàng biết về sản phẩm/ dịch vụ của bạn như thế nào?

4p trong marketing là gì

donghanh banner l

2. Giới thiệu về 4P trong marketing

2.1. Product (sản phẩm)

Product sẽ bao gồm sản phẩm và dịch vụ được doanh nghiệp cung cấp và bán ra thị trường. Để thu về hiệu quả kinh doanh cao, bạn phải đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Càng đáp ứng được nhiều yếu tố mong đợi của khách hàng, bạn càng có nhiều khả năng tiếp cận và bán hàng.

2.2. Price (giá)

Bạn sẽ định giá cho sản phẩm của mình như thế nào? Giá là yếu tố nhạy cảm và đôi khi tiên quyết trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp sẽ dựa vào định vị sản phẩm muốn hướng đến mà lựa chọn các chiến lược định giá phù hợp.

2.3. Place (phân phối)

Phân phối có vai trò lưu chuyển giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng dễ dàng. Hệ thống kênh phân phối rộng lớn sẽ nâng cao uy tín thương hiệu, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Đồng thời phân phối sẽ liên quan đến các chính sách chiết khấu, phần này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp nên cần được suy xét để có kênh phân phối hiệu quả và chi phí phù hợp.
Quy trình điều phối sản phẩm cần có sự tham gia của nhà sản xuất, trung gian phân phối và người tiêu dùng.

2.4. Promotion (tiếp thị)

Chữ P cuối cùng là các chương trình xúc tiến thương mại, này nhận vai trò thúc đẩy hoạt động mua bán diễn ra nhanh và đem về doanh thu cao nhất có thể.

3. Cách ứng dụng 4P trong marketing hiệu quả dành cho doanh nghiệp

3.1. Chiến lược sản phẩm

chiến lược sản phẩm trong mô hình 4p

Xoay quanh về sản phẩm, cần lưu ý những chiến lược sau đây:

Chiến lược về nhãn hiệu: nhãn hiệu sản phẩm sẽ ảnh hưởng mức độ ghi nhớ, và quyết định mua của khách hàng. Một số cách đặt tên nhãn hiệu như sau:

  • Đặt tên riêng biệt cho từng sản phẩm: mỗi sản phẩm có một cái tên riêng biệt, hạn chế rủi ro liên quan cho các sản phẩm cùng công ty tuy nhiên khó khăn cho giai đoạn quảng bá ban đầu để khách hàng biết đến và tin dùng sản phẩm.
  • Đặt tên theo dòng sản phẩm: giúp khách hàng dễ dàng ghi nhớ nhiều sản phẩm của công ty, nếu khách hàng có cảm tình với sản phẩm trước đó sẽ có kỳ vọng cao vào sản phẩm cùng dòng sắp ra mắt.
  • Kết hợp thương hiệu doanh nghiệp vào tên sản phẩm: cách này giúp tận dụng uy tín thương hiệu mà vẫn nổi bật đặc tính riêng của sản phẩm

Chiến lược về dòng sản phẩm:

  • Tăng thêm mặt hàng trong dòng sản phẩm
  • Loại bỏ mặt hàng trong dòng sản phẩm
  • Thay đổi/ cải tiến mặt hàng trong dòng sản phẩm

Ví dụ dòng xe SH của Honda nhắm đến phân khúc tầm cao về thu nhập, sau khi có phản hồi tốt từ thị trường, Honda tiếp tục cho ra mắt mẫu SH Mode cho phân khúc tầm trung, làm phong phú sự lựa chọn cho khách hàng, đây là cách tăng thêm mặt hàng trong dòng sản phẩm.

Chiến lược riêng cho từng sản phẩm: khi triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm, doanh nghiệp cần đánh giá, phân tích dựa trên các thành phần:

  • Phần cốt lõi: lợi ích cốt lõi thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, từ đây doanh nghiệp nghiên cứu insight của khách và đưa ra giá trị cốt lõi tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm.
  • Phần cụ thể: bao gồm nhiều yếu tố hữu hình để khách hàng cảm nhận, qua đó truyền tải giá trị cốt lõi.
  • Phần gia tăng: là điểm giúp tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, bao gồm dịch vụ và lợi ích cộng thêm cho sản phẩm hoàn chỉnh nhất so với các sản phẩm cùng phân khúc.

Từ việc phân tích 3 phần trên, doanh nghiệp sẽ đưa ra hướng phát triển cho sản phẩm như đổi mới sản phẩm, thích ứng sản phẩm, bắt chước và tái định vị sản phẩm.

3.2. Chiến lược giá

Định giá sản phẩm là một mô hình khó và riêng biệt, ở bài viết này chỉ đưa ra một số chiến lược giá tiêu biểu để các bạn tham khảo:

  • Chiến lược định giá cao: Chiến lược này cho phép doanh nghiệp định giá cao hơn thị trường, hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, phù hợp với các sản phẩm chất lượng cao, mang giá trị thương hiệu hoặc độc lạ.
  • Chiến lược định giá thấp: Ngược lại với định giá cao thì chiến lược giá thấp tập trung vào nhóm khách hàng quan trọng về giá. Doanh nghiệp sẽ định giá thấp hơn thị trường và các đối thủ bằng cách tận dụng nguồn lực nhân sự, tối ưu hóa hiệu suất và chi phí sản xuất, marketing. Chiến lược này khá rủi ro vì nếu doanh nghiệp bị hạn chế năng lực sản xuất sẽ khó duy trì được.
  • Chiến lược định giá hớt váng: chiến lược này áp dụng cho sản phẩm mới, chu kỳ sống ngắn hạn. Lúc đầu doanh nghiệp sẽ định giá rất cao khi sản phẩm vừa tung ra thị trường để “hớt váng”, dành cho những khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều để trải nghiệm sản phẩm mới nhất. Sau đó giá sẽ hạ khi lượng tiêu thụ giảm. Chiến lược này giúp tối đa hóa doanh thu cho doanh nghiệp.
  • Chiến lược cạnh tranh ngang giá: Là chiến lược định giá ngang bằng thị trường, áp dụng khi các sản phẩm không có nhiều sự khác biệt trong môi trường cạnh tranh gay gắt.
  • Chiến lược xâm nhập giá thị trường: khi sản phẩm vừa đẩy ra thị trường chưa được nhiều người biết đến, doanh nghiệp đưa ra mức giá thấp hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường để tăng mức độ nhận biết cho sản phẩm, tạo áp lực cho đối thủ muốn gia nhập ngành. Sau đó sẽ nâng giá khi thị trường dần quen với sản phẩm.

chiến lược phân phối sản phẩm

3.3. Chiến lược phân phối

Chiến lược phân phối chiều dài:

  • Kênh phân phối trực tiếp: Đây là hình thức nhà sản xuất bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng mà không qua trung gian. Kênh này giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ quá trình đưa sản phẩm ra thị trường, có hướng xử lý kịp thời nếu có gián đoạn trong bất kỳ quy trình nào, bảo đảm tối ưu hóa cảm nhận khách hàng tại tất cả điểm bán.
  • Kênh phân phối gián tiếp: Trong hình thức này, sẽ có 1 bên trung gian giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, các trung gian sẽ hưởng một phần lợi nhuận vì họ có nhiệm vụ mang sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Kênh gián tiếp sẽ có kênh 1 cấp, 2 cấp, 3 cấp biểu thị các giai đoạn trung gian mà sản phẩm đi từ nhà sản xuất đến người dùng cuối cùng. Lưu ý số cấp càng tăng thì quá trình đến tay khách hàng càng dài và càng khó kiểm soát trung gian.

Nhà cung cấp chọn loại phân phối này để tận dụng ưu thế sẵn có của các trung gian để phân phối hàng

Chiến lược phân phối chiều rộng:

  • Phân phối đại trà: áp dụng cho các mặt hàng phổ thông, gia dụng, cần có càng nhiều kênh phân phối càng tốt.
  • Phân phối độc quyền: áp dụng cho các phân khúc cao cấp, nhà sản xuất chỉ lựa chọn vài trung gian phù hợp, nhằm kiểm soát về chất lượng sản phẩm, hình ảnh thương hiệu và cảm nhận từ khách hàng.
  • Phân phối chọn lọc: là kiểu phân phối cho nhiều trung gian nhưng dựa trên một tiêu chí cụ thể, phù hợp cho những mặt hàng cao cấp có thời gian sử dụng dài.

chiến lược quảng cáo tiếp thị

3.4. Chiến lược quảng cáo, tiếp thị

Chủ yếu doanh nghiệp sẽ tập trung vào các cách thức cơ bản sau đây:

  • Quảng cáo: tăng độ nhận biết sản phẩm đến khách hàng thông qua các chương trình, video clip giới thiệu sản phẩm.
  • Khuyến mãi: kích thích người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm hơn với các ưu đãi combo, quà tặng kèm, giảm giá,…
  • PR: tạo hình ảnh đẹp cho thương hiệu thông qua các hình ảnh như chương trình thực tế, roadshow, tổ chức sự kiện kết nối doanh nghiệp và khách hàng,…

Để áp dụng tốt nên có các chiến lược kết hợp các cách thức trên

  • Chiến lược kéo: chiến lược lôi kéo khách hàng thích thú với sản phẩm, tìm đến các trung gian để mua hàng, khi nhu cầu tăng cao, các trung gian cũng sẽ tìm đến nhà sản xuất để nhập thêm hàng. Chiến lược này thường áp dụng cho kênh phân phối trực tiếp.
  • Chiến lược đẩy: chiến lược này nhà sản xuất sẽ đưa ra các chiết khấu hấp dẫn cho trung gian để họ nhập hàng về bán, để sản phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng và được biết đến rộng rãi. Thông thường để thuyết phục các trung gian, nhà sản xuất cần thêm các phần thưởng doanh thu, tặng quà, du lịch,…
  • Chiến lược kết hợp đẩy kéo: các công ty lớn thường sẽ sử dụng chiến lược này, chiến lược này kết hợp kích cầu người tiêu dùng và đẩy mạnh sản phẩm qua trung gian.

Trên đây là các thông tin cơ bản về 4P trong marketing, mong các bạn sẽ có cái nhìn bao quát hơn về vấn đề này.

Trở thành đối tác kinh doanh
với Droppii