Kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa mau thu hồi vốn

Viết bởi admin droppii - 01/02/2023
Kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa

Bạn muốn kinh doanh tạp hóa nhưng không biết cần chuẩn bị bao nhiêu vốn? Nên nhập những mặt hàng gì để bán nhanh mà không sợ tồn hàng? Làm sao để thu hút nhiều khách hàng đến cửa tiệm. Không dễ dàng khi mở cửa hàng tạp hóa mà bạn chưa có nhiều kinh nghiệm. Vậy làm thế nào để bán được nhiều hàng, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây. Droppii mách bạn kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa mau thu hồi vốn.

1. Nghiên cứu thị trường kinh doanh tạp hóa

Trước khi kinh doanh bất kỳ mặt hàng nào, bạn cũng nên nghiên cứu thị trường để tìm kiếm khách hàng mục tiêu. Đối với ngành hàng tạp hóa, bạn nên khảo sát thị trường ở khu vực mà bạn muốn mở cửa hàng. Khi khảo sát thị trường, bạn nên dựa vào các tiêu chí sau đây:

  • Thu nhập trung bình hàng tháng của người dân sống tại khu vực đó
  • Sở thích mua sắm của người dân tại khu vực bạn sắp mở cửa hàng tạp hóa
  • Nhu cầu sử dụng sản phẩm ra sao
  • Tần suất mua sắm như thế nào
  • Mật độ lứa tuổi, giới tính của người dân sinh sống tại khu đó.
nghien-cuu-thi-truong-kinh-doanh-tap-hoa
Nghiên cứu thị trường kinh doanh tạp hóa

Khi đã thu thập được thông tin trả lời cho các câu hỏi trên bạn sẽ xác định được khách hàng mục tiêu của mình và lên kế hoạch nhập hàng về bán. 

Tuy nhiên, bạn nên lưu ý tìm hiểu các cửa hàng tạp hóa của đối thủ xem họ bán những mặt hàng gì và cách thu hút khách hàng của họ để lập ra kế hoạch kinh doanh phù hợp.

donghanh banner l

2. Kinh doanh tiệm tạp hóa cần bao nhiêu vốn?

Bán hàng tạp hóa là hình thức kinh doanh nhiều mặt hàng đa dạng. Ngoài nguồn hàng, khi mở cửa hàng tạp hóa bạn phải chi trả cho rất nhiều khoản chi phí khác như mặt bằng, trang trí và trưng bày hàng hóa, tiền điện, thuê nhân viên… Vậy cần phải chuẩn bị bao nhiêu vốn để mở cửa hàng tạp hóa?

Kinh-doanh-tap-hoa-can-bao-nhieu-von
Kinh doanh tạp hóa cần bao nhiêu vốn?

Nguồn vốn để mở cửa hàng tạp hóa sẽ tùy thuộc vào quy mô cửa hàng lớn hay nhỏ. Để xác định nguồn vốn cụ thể, bạn nên dựa vào những danh mục chi phí sau đây:

2.1 Chi phí thuê mặt bằng

Nếu không có mặt bằng thì bạn phải thuê địa điểm. Đây là một loại chi phí mà bạn phải thanh toán mỗi tháng. Chi phí mặt bằng mỗi tháng nhiều hay ít tùy thuộc vào vị trí bạn lựa chọn, diện tích lớn hay nhỏ và bạn mở cửa hàng tại khu vực nông thôn hay thành thị.

  • Tại khu vực nông thôn, chi phí thuê mặt bằng dao động từ 2 – 7 triệu đồng/tháng.
  • Tại thành thị, chi phí thuê mặt bằng dao động từ 3 – vài chục triệu/tháng.

Để lựa chọn mặt bằng thuận lợi thu hút khách hàng đến cửa hiệu, bạn nên thuê mặt bằng có diện tích lớn, nằm ở vị trí mặt tiền, khu vực đông dân cư, có nhiều người – phương tiện đi lại, khu vực chung cư, tòa nhà văn phòng… những nơi này giúp bạn dễ tìm kiếm khách hàng hơn.

2.2 Chi phí đầu tư trang thiết bị, mua sắm nội thất cửa hàng

Trang thiết bị cần có trong cửa hàng tạp hóa bao gồm:

  • Kệ trưng bày sản phẩm
  • Hệ thống đèn chiếu sáng
  • Tủ đựng sản phẩm
  • Tủ lạnh, tủ đông
  • Camera (nếu có)
  • Máy tính, phần mềm quản lý cửa hàng – bán hàng – xuất hóa đơn
  • Hộp nhựa đựng sản phẩm

Chi phí mua sắm kệ trưng bày sản phẩm khoảng 600.000 đồng/bộ kệ chiều cao 1,8m. Tuy nhiên, giá tiền sẽ có sự chênh lệch tùy nơi bán. 

Hệ thống đèn chiếu sáng lắp đặt tùy theo quy mô cửa hàng của bạn lớn hay nhỏ số lượng bóng đèn sẽ nhiều hay ít. Hiện nay, có nhiều loại bóng đèn như:

  • Bóng đèn huỳnh quang Compact
  • Đèn LED

Hai loại đèn này chiếu sáng tốt và được dùng phổ biến tại các cửa hàng tạp hóa. Giá bóng đèn dao động từ 90.000 – 180.000 đồng/bóng đèn.

Camera lắp đặt trong cửa hàng tạp hóa bạn dùng loại giá khoảng 4 – 5 triệu.

Bàn thu ngân, bạn có thể trang bị thêm máy tính và phần mềm quản lý cửa hàng – bán hàng, tổng chi phí bàn thu ngân, máy tính và phần mềm quản lý bán hàng dao động từ 15 – 20 triệu đồng.

Tủ lạnh, tủ đông bạn có thể mua tủ đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí.

3. Mở cửa hàng tạp hóa cần giấy tờ gì?

Khi mở cửa hàng tạp hóa bạn cần phải đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Thủ tục mở cửa hàng tạp hóa bao gồm:

Gửi Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thuộc tỉnh thành mà bạn mở tiệm kinh doanh.

*Lưu ý: Khi đăng ký kinh doanh, bạn nên hiểu rõ các trường hợp người đại diện kinh doanh để đăng ký kinh doanh như sau:

  • Người đại diện hộ gia đình (đối với trường hợp hộ gia đình kinh doanh). 
  • Người đại diện cá nhân (đối với trường hợp cá nhân thành lập).
  • Người đại diện nhóm cá nhân (đối với trường hợp nhóm cá nhân thành lập).
Kinh-doanh-tap-hoa-can-giay-to-gi
Kinh doanh tạp hóa cần giấy tờ gì?

Nội dung trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh phải đầy đủ những thông tin sau:

  1. Tên người đại diện kinh doanh.
  2. Địa chỉ kinh doanh.
  3. Số vốn kinh doanh.
  4. Ngành, nghề kinh doanh.
  5. Số lao động.
  6. Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú. Chữ ký, số và ngày cấp Thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ Chiếu của người đại điện.

Khi lên cơ quan chính quyền để đăng ký kinh doanh, bạn nên mang theo bản sao công chứng hợp lệ Căn cước Công dân/Hộ Chiếu của người đại diện là Cá nhân hoặc Hộ gia đình. Riêng đối với nhóm kinh doanh phải kèm theo biên bản nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ thì Cơ quan thẩm quyền cấp huyện sẽ tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ nếu như bạn thỏa những điều kiện sau đây: 

  1. Ngành nghề kinh doanh không thuộc ngành nghề cấm kinh doanh
  2. Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp với quy định.
  3. Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định.

Nếu sau 3 ngày làm việc, tính từ ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh mà bạn vẫn không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc vẫn không nhận được thông báo bằng văn bản về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh thì bạn có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Sau khi được cấp giấy đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, bạn cần đến chi cục thuế quận, huyện đăng ký kinh doanh để kê khai và nộp thuế trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng ký kinh doanh. Thời gian định kỳ vào tuần thứ nhất hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký vào tháng trước cho Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cơ quan thuế cùng cấp và Sở chuyên ngành.

Khi đóng thuế cửa hàng tạp hóa bạn cần nộp gồm 2 loại như sau: thuế môn bài dao động khoảng 500.000  đến 700.000 động/năm. Thuế kinh doanh khoảng 300.000 – 500.000 đồng/tháng. Thuế kinh doanh chi cục thuế hay yêu cầu đóng trước theo quý. Thông thường cửa hàng tạp hóa không xuất hóa đơn nên bạn không cần mua hóa đơn.

Bên cạnh đó, 2 giấy tờ về Chứng nhận phòng cháy chữa cháyVệ sinh an toàn thực phẩm có thể chưa làm ngay, nhưng về thời gian lâu dài thì vẫn cần làm. Nếu không có thì cửa hàng tạp hóa của bạn có thể bị phạt tới 30.000.000 đồng.

Để làm Giấy phòng cháy chữa cháy, bạn đến Công an phường hoặc Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại khu vực bạn mở cửa hàng để xác nhận cửa hàng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cấp giấy chứng nhận.

Lưu ý, Giấy vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng. Bạn nên làm càng sớm càng tốt. Với cửa hàng tạp hóa, Giấy vệ sinh an toàn thực phẩm có thể hỏi tại bộ phận quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân phường đặt cửa hàng, hoặc Phòng kinh tế quận, huyện đặt cửa hàng.

4. Chọn địa điểm mở cửa hàng tạp hóa

Để mở cửa hàng tạp hóa, bạn có thể mở tại nhà (nếu nhà mặt tiền đường). Hoặc bạn thuê mặt bằng, tùy theo quy mô cửa hàng lớn hay nhỏ để thuê diện tích mặt bằng, diện tích tối thiểu cho một cửa hàng tạp hóa là 30m².

Những lưu ý khi thuê mặt bằng để cửa hàng của bạn thu hút nhiều khách hàng:

  • Bạn nên thuê mặt bằng ở trục đường chính
  • Đường đi có nhiều lưu lượng phương tiện đi lại, người dân qua lại nhiều
  • Khu vực có nhiều người sinh sống
  • Khu vực gần trường học, công ty, khu vực văn phòng
  • Tuyến đường đi di chuyển thuận lợi

Khi thuê mặt bằng bạn nên đánh giá khả năng chi trả của bạn, đánh giá tình trạng mặt bằng có dễ tìm khách hàng hay không.

5. Lập danh mục sản phẩm cần bán

Trước khi nhập hàng bạn nên lập bảng danh sách các sản phẩm cần bán để phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng. Bán những sản phẩm thiết yếu như kim chỉ, bánh kẹo, thuốc lá, xà phòng giặt, bia, rượu, sữa bột, đồ gia dụng…

Lập danh sách chi tiết các loại hàng hóa cần bán và số lượng hàng cần nhập phải dựa vào tiêu chí giá cả, nguồn vốn mà bạn đang sở hữu và phù hợp hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu cần bán là ai. Khi mới bán, bạn nên nhập mỗi loại hàng hóa một ít nhưng phải đa dạng về chủng loại, thương hiệu để khách hàng dễ lựa chọn.

Sau một thời gian bán hàng và đã có số lượng khách hàng nhất định, bạn hãy quan sát thói quen mua sắm của họ để biết các mặt hàng tạp hóa bán chạy nhất và lập kế hoạch số lượng nhập hàng để thu hút khách hàng.

Lưu ý: Nếu bạn có nguồn vốn lớn, không nên nhập, dự trữ nhiều hàng hóa trong cửa hàng. Việc nhập hàng quá nhiều dễ khiến bạn bị tồn hàng, đọng vốn, chất lượng hàng hóa suy giảm hoặc hết hạn sử dụng sẽ dẫn đến lỗ vốn.

6. Hướng dẫn cách tìm nhà cung cấp nguồn hàng tạp hóa

Để bắt đầu công việc kinh doanh hàng tạp hóa, bạn cần phải làm việc với các đầu mối buôn hàng, nhân viên tiếp thị của từng nhãn hàng để nhập hàng về bán.

Bạn có thể lấy hàng từ chợ đầu mối bỏ sỉ tạp hóa, lấy hàng từ các đại lý tại khu vực bạn sinh sống hay bạn có thể treo bản nhập hàng tạp hóa. Khi bạn mở cửa hàng tạp hóa, thường có nhân viên tiếp thị của các nhãn hàng đến tiếp thị. Nếu nhập hàng từ nguồn này, mức giá được giảm đồng thời được nhận kèm ưu đãi, tiền hoa hồng từ nhà cung cấp sản phẩm nếu bạn trưng bày sản phẩm của họ ở vị trí đẹp trong cửa hàng.

Droppii mách bạn kinh nghiệm khi lấy hàng tạp hóa không nên tham khuyến mãi, chiết khấu mà nhập nhiều hàng dẫn đến hàng tồn kho. Đừng bao giờ quá tin tưởng vào nhân viên tiếp thị. Tốt nhất, bạn yêu cầu họ để lại hàng mẫu cho bạn so sánh rồi mới quyết định có nên nhập hàng không.

7. Trang trí cửa hàng

Để thu hút khách hàng, bạn cần chú ý sắp xếp hàng hóa sao cho gọn gàng, đẹp mắt và thuận tiện cho khách hàng xem sản phẩm khi mua sắm.

Bạn cần lưu ý những nguyên tắc sau đây khi sắp xếp hàng hóa:

  • Sắp xếp các loại đồ ăn nhanh như bim bim, nước giải khát, bánh ngọt… ở vị trí bên ngoài cửa hàng để khách hàng dễ lấy và thanh toán tiền.
  • Bạn nên phân loại sản phẩm theo từng quầy hàng như đồ khô, sản phẩm đông lạnh… Các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm bán chạy phải đặt ở vị trí ngang tầm mắt để khách hàng dễ quan sát và lựa chọn. Các danh mục hàng hóa chiếm diện tích lớn như dầu ăn, bột giặt, nước tẩy rửa, sản phẩm mẹ và bé, nước rửa chén bát… nên được trưng bày ở phía dưới.
  • Mỗi quầy hàng, kệ hàng trưng bày sản phẩm cần có biển tên, chú thích giá bán.
  • Hãy chú ý đến hạn sử dụng của các loại hàng hóa. Những loại hàng hóa nhập trước sẽ phải trưng bày để bán trước, tránh tình trạng tồn hàng, khó bán sau này.

8. Lên chương trình khuyến mãi, tiếp thị sản phẩm thu hút khách hàng

Lên chiến lược tiếp thị hiệu quả nhất thường là các chương trình khuyến mãi, tặng quà, giảm giá bán… Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm để tổ chức các chương trình tích điểm, ưu đãi giá bán cho khách quen, giao hàng tại nhà… Điều này sẽ thu hút nhiều khách hàng hơn.

Chuong-trinh-khuyen-mai
Chương trình khuyến mãi

9. Tuyển dụng nhân viên

Với cửa hàng tạp hóa quy mô nhỏ, bạn có thể tự mình làm tất cả mọi việc như nhập hàng, sắp xếp hàng hóa, bán hàng, giao hàng, thu chi.. Khi cần người hỗ trợ, bạn có thể nhờ người thân hoặc thuê thêm nhân viên. Mức lương thuê nhân viên bán hàng tạp hóa dao động từ 4,5 – 7 triệu/tháng. 

Trên đây là những kinh nghiệm mở cửa hàng tạp hóa mà Droppii tổng hợp được. Hy vọng sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm khi mở cửa hàng tạp hóa tại nông thôn hoặc thành thị. Một điều lưu ý khi mở cửa hàng tạp hóa khi chưa có kinh nghiệm là bạn nên tham khảo thêm nhiều ý kiến của người đã có kinh nghiệm để tránh những sai sót không đáng có và tránh bị lỗ vốn. Droppii chúc bạn thành công khi thực hiện dự án của mình. Ngoài hình thức kinh doanh tạp hóa, bạn có thể tham khảo thêm mô hình dropshipping. Bạn không lo đến việc kho bãi, nhân viên, vốn lớn mà chỉ cần vài thao tác đơn giản trên ứng dụng là bạn đã có thể kinh doanh được rồi. Hãy thử trải nghiệm mô hình kinh doanh này cùng Droppii nhé.  

Trở thành đối tác kinh doanh
với Droppii